Hành vi tổ chức - Nhận thức

___________________________________________________________________

Nhận thức và ra tầm quan trọng của nhận thức
Khái niệm
Nhận thức được xem là quá trình trong đó cá nhân tổ chức và diễn đạt những ấn tượng mang tính cảm giác để giải thích về môi trường của họ. Tuy nhiên, như đã trình bày, cái mà một người nhận thức có thể là khác biệt rất lớn đối với thế giới khách quan.
Tầm quan trọng của nhận thức
Nhận thức là quan trọng trong việc nghiên cứu hành vi. Một cách đơn giản là vì hành vi của con người dựa trên nhận thức về thế giới của họ, không phải thế giới tự nó. Thế giới được nhận thức là thế giới quan trọng về mặt hành vi.

Quá trình nhận thức

Các yếu tố đầu vào (inputs) của nhận thức:
Các yếu tố đầu vào của nhận thức chỉ định tất cả các kích thích trong môi trường hoặc trong tổ chức, gồm các sự kiện, sự vật, vấn đề, mọi thông tin có sẵn, những thảo luận giữa các thành viên trong tổ chức,...
Giai đoạn xử lý
Giai đoạn xử lý thông tin các yếu tố đầu vào của nhận thức gồm ba tiến trình là chọn lọc, tổ chức, diễn giải các kích thích trong môi trường. Trong tiến trình nhận thức, tuy mỗi người đều trải qua ba bước này nhưng cách xử lý không phải ai cũng giống ai. Khi nhận thức, cách chọn lọc các kích thích (vì quá nhiều không thể tiếp nhận hết), các thiên kiến, tâm tính cá nhân (mỗi cá nhân mỗi khác) sẽ ảnh hưởng cách chúng ta chọn lọc, tổ chức và diễn giải các  thông tin, kích thích.
- Chọn lọc
Trong môi trường hằng ngày (của tổ chức) có quá nhiều sự kiện, sự vật, thông tin “oanh tạc” mà các giác quan của chúng ta không thể thu nhận hết được. Để tránh sự quá tải, chúng ta phải chọn lọc thông tin. Chẳng hạn, một nhân viên mới tuyển được dẫn đi giới thiệu làm quen nơi làm việc, thì anh ta chỉ sẽ chú ý, quan sát việc sắp xếp bàn ghế như thế nào, xa hay gần vị trí người quản đốc, quan tâm đến những cuộc trao đổi, đối thoại giữa những người cùng bộ phận ra sao,... Trong khi đó, cùng trong khung cảnh ấy, nhưng với một người đang đối diện một công việc hoặc một dự án khó khăn, thì sự chú ý của người này lại không giống vậy. Người này có thể chỉ tập trung vào những người hỗ trợ được mình trong việc giải quyết vấn đề.
Việc chúng ta chỉ chú ý một vài khía cạnh (kích thích) này và bỏ qua một số khía cạnh khác vì chúng không liên quan hoặc vì quá tải được gọi là nhận thức có chọn lọc.
- Tổ chức
Sau khi thu nhận một cách có chọn lọc một số thông tin, cá nhân sắp xếp, tổ chức theo một cách nào đó. Chúng ta thường có xu hướng nhóm họp các đối tượng nhận thức theo những đặc điểm nhất định vốn có của chúng. Và đó là những định luật về tổ chức (laws of organization) do các nhà tâm lý học Gestalt (tâm lý học hình thể) đã nêu như : định luật về hình và nền, tính khép kín, tính tương cận, tính đồng dạng, tính đơn giản.
Hình và nền:
Chúng ta thường chú ý đến các loại kích thích tỏ ra đặc biệt nổi trội hoặc tương phản về mức độ sáng, mức độ ồn ào, mới lạ hoặc mức độ cao thấp. Cho nên, chẳng lấy gì làm khó hiểu khi bạn thấy các mục quảng cáo khai thác tối đa khía cạnh tương phản về màu sắc (bạn để ý: trẻ con rất nhạy về màu sắc nên rất thích xem các mục quảng cáo, vì màu sắc rất đẹp và độ tương phản cao).         + Tính khép kín (closure)
Chúng ta thường chú trọng đến hình dạng tổng thể và bỏ qua các khe hở.  Vì thông tin thường không đủ, nên chúng ta thấy có nhu cầu bù lấp những dữ kiện, thông tin bị thiếu, bị hổng dựa vào kinh nghiệm quá khứ của chúng ta trước khi đưa ra quyết định. Nói cách khác, chúng ta muốn bù lấp chúng lại. Chẳng hạn, một nhà quản trị muốn đề bạt một nhân viên nào đó nhưng không biết rõ là liệu anh ta có khả năng, năng lực đầy đủ để giải quyết những nhiệm vụ hoặc những tình huống phức tạp hay không. Nhà quản trị có thể bù lấp (khép kín) lổ hổng sự hiểu biết của mình về người nhân viên này dựa trên kết quả thực hiện công việc trong quá khứ của anh ta. Nhà quản trị cho rằng anh nhân viên này có đầy đủ thông minh và nhiệt tình để có thể nhanh chóng nắm bắt công việc. 
+ Tính tương cận (proximity) và tính đồng dạng (similarity)
Các phần tử kề cận nhau thường được tổ hợp lại với nhau.  Ví dụ ông A là nhân viên của một phòng có nhiều người làm việc không hiệu quả, nên chắc hẳn ông A không hơn gì họ, nghĩa là cũng làm việc không hiệu quả! 
Tính đơn giản (simplicity): khi quan sát một mô hình nào đó, chúng ta thường nhận thức nó theo cách thức nhận xét đơn giản và trực tiếp nhất trong khả năng của chúng ta.
Đơn giản hóa là một cách làm giảm bớt lượng thông tin quá tải, phức tạp bằng cách lược giản những dữ kiện không liên quan, không cần thiết cho một tình huống nào đó. Điều này giúp cho tiến trình ra quyết định diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức
- Do đối tượng nhận thức
Một vài đặc điểm của đối tượng nhận thức sẽ ảnh hưởng đến tiến trình nhận thức của chúng ta. Như đã nói, kích cỡ, cường độ, sự lặp đi lặp lại, sự mới lạ, địa vị, vẻ bề ngoài, sự tương phản là những thuộc tính của kích thích thu hút sự chú ý của chúng ta ở giai đoạn đầu vào của nhận thức, ví dụ: một người quá cao hoặc quá lùn (kích thước), một dãy đèn pha sáng rực của một tòa nhà (cường độ); sự xuất hiện của một dĩa bay (mới lạ), của một người quyền cao chức trọng (địa vị), của một thiếu nữ rất đẹp (vẻ bề ngoài); sự tương phản về màu sắc của một mẫu quảng cáo (sự tương phản),... 
- Do chủ thể nhận thức
+ Do thái độ: hai sinh viên học chung lớp, một người thích (là một thái độ) lớp học có sĩ số đông để không ai biết mình, nhất là giáo viên; người kia thích có sĩ số ít để có thể đặt nhiều câu hỏi với giáo viên. Ví dụ, khi vào một lớp học đông sinh viên, hai người này sẽ nhận thức và diễn giải lớp học khác nhau.
+  Do nhu cầu, động lực : “khi đói, chúng ta dễ cảm nhận các kích thích do thức ăn và các sự vật liên hệ đến thức ăn gây ra” . Nếu tôi có nhu cầu cao về thành đạt, tôi sẽ nắm bắt mọi cơ hội và khai thác mọi phương tiện để thành công.
+ Do tư lợi, lợi ích: hệ thống lương bổng của một tổ chức được các cá nhân và các bộ phận trong một tổ chức nhìn nhận khác nhau: ai hưởng lợi nhiều thì cho là tốt và công bằng, ai hưởng ít thì cho là thiếu công bằng và thiếu cơ sở khoa học.
+ Do kinh nghiệm
Nếu trước đây chúng ta hoàn toàn thất vọng về sự hỗ trợ của vị trưởng phòng thì không mong có sự giúp đỡ gì trong lúc khó khăn này.
+ Do hy vọng, kỳ vọng: bạn cho rằng già thì khó tính, trẻ thì tham vọng, những người ở các cơ quan công quyền thì hách dịch, dù cụ thể từng người trong số họ như thế nào, bạn chẳng cần biết đến (do kỳ vọng của bạn).
- Do bối cảnh nhận thức:
Bình thường sự vật hoặc sự kiện đó là không quan trọng hoặc không gây ấn tượng nhưng có một lúc, trong một bối cảnh nào đó lại hoàn toàn khác.

Download toàn bộ bài viết tại đây