Kinh tế vi mô - Đường đẳng ích

___________________________________________________________________

Định nghĩa
Đường đẳng ích là tập hợp các phối hợp khác nhau giữa hai hay nhiều sàn phẩm cùng tạo nên sức thỏa mãn như nhau cho người tiêu dùng. Biểu đồ dưới đây gồm một đường đẳng ích của hai hàng hóa, X và Y.
Với hai điểm bất kỳ nằm trên đường đẳng ích sẽ có cùng mức lợi ích. Do vậy, biểu đồ dưới đây chỉ ra rằng một cá nhân lựa chọn kết hợp tiêu dùng tại điểm A hay điểm B đều có cùng mức lợi ích như nhau. Một điểm nằm ở phía trên bên phải của đường đẳng ích có mức lợi ích cao hơn bất kỳ điểm nào nằm trên đường đẳng ích. Một điểm như vậy phải nằm trên một đằng đẳng ích khác có mức lợi ích cao hơn. Do đó, điểm C là điểm lựa chọn tốt hơn điểm A hay B (hay bất kỳ điểm nào khác nằm trên đường đẳng ích Uo). Các điểm nằm bên dưới bên trái của đường đẳng ích (chẳng hạn điểm D) sẽ cho mức lợi ích nhỏ hơn. Do vậy, cá nhân thích lựa chọn tiêu dùng tại điểm A nếu như lựa chọn tiêu dùng giữa điểm A và điểm D.
Các điểm lựa chọn tiêu dùng có các mức lợi ích khác nhau thì sẽ nằm trên các đường đẳng ích khác nhau. Vì thế, có vô số các đường đẳng ích giữa các lựa chọn kết hợp tiêu dùng giữa hai hàng hóa. Hai đường đẳng ích khác được thêm vào biểu đồ tương ứng với mức lợi ích nhận được tại điểm C và điểm D tương ứng.
Các đường đẳng ích có bốn thuộc tính như sau:
- Đường đẳng ích cao hơn được ưa thích hơn đường đẳng ích thấp hơn.
Người tiêu dùng thích lựa chọn điểm tiêu dùng ở đường đẳng ích có mức lợi ích cao hơn. Điều này phản ảnh mong muốn người tiêu dùng là thích tiêu dùng nhiều hơn đối với một hàng hóa.

-  Đường đẳng ích có độ dốc đi xuống.
Độ dốc của đường đẳng ích phản ảnh tỷ lệ thay thế hàng hóa này bởi hàng hóa khác. Trong hầu hết các trường hợp, người tiêu dùng thích cả hai. Vì vậy, nếu số lượng một hàng hóa giảm đi thì số lượng hàng hóa khác phải tăng lên để người  tiêu dùng đạt được cùng mức thỏa mãn. Vì lý do này, đường đẳng ích có dạng dốc xuống.

- Các đường đẳng ích không cắt nhau.
Để thấy tại sao có điều này, biểu đồ dưới đây minh họa điểm A và B trên U1, điểm B và C trên U2. A và B có cùng mức lợi ích (nằm trên U1) và B và C có cùng mức lợi ích (nằm trên U2). Ta suy ra A và C có cùng mức lợi ích, cho nên A và C phải nằm trên một đường đẳng ích. Lập luận trên có vẻ như mâu thuẫn với thuộc tính thứ nhất, đó là người tiêu dùng thích dùng nhiều hơn là dùng ít hơn. Điều này chỉ đúng khi A và C cùng nằm trên đường đẳng ích hay U1  trùng với U2. Do vậy, các đường đẳng ích không thể cắt nhau.
- Các đường đẳng ích lõm vào góc tọa độ.
Độ dốc của đường ngân sách phản ảnh tỷ lệ thay thế biên của hàng hóa bởi hàng hóa khác. Khi người tiêu dùng có nhiều hơn với cùng một sản phẩm thì mong muốn trên mỗi sản phẩm sẽ ít đi và mong muốn đối với sản phẩm ít hơn sẽ lớn hơn. Điều này cũng phản ảnh qui luật lợi ích biên giảm dần. Chính vì vậy, hình dạng của đường đẳng ích là dốc xuống và lõm vào góc tọa độ.

Tuy nhiên, quyết định lựa chọn tiêu dùng còn tùy thuộc vào thu nhập dùng để chi tiêu cho các hàng hóa và cá nhân cố gắng đạt được mức lợi ích cao nhất có thể trong phạm vi các ràng buộc (thu nhập và các yếu tố khác). Chúng ta hãy xem xét ràng buộc ngân sách ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm tiêu dùng mà ở đó cá nhân đạt được mục tiêu tiêu dùng.

Download toàn bộ bài viết tại đây