Nguyên lý kế toán - Yêu cầu và nguyên tắc của hạch toán kế toán

___________________________________________________________________

1. Yêu cầu đối với hạch toán kế toán
* Thông tin hạch toán kế toán cung cấp phải phản ánh chính xác, trung thực và khách quan thực tế hoạt động cuả đơn vị.
* Thông tin hạch toán kế toán phải được sắp xếp, phân loại và khi cung cấp phải đảm bảo so sánh được. Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp phải được tính toán và trình bày nhất quán để có thể so sánh được khi cần thiết.
* Thông tin hạch toán kế toán được ghi chép và báo cáo hay phản ánh kịp thời các hoạt động kinh tế tài chính xảy ra, bảo đảm đúng hoặc trước thời hạn không được chậm trễ, giúp cho nhà quản lý và các cơ quan Nhà nước nhận biết kịp thời hoạt động của đơn vị.
* Thông tin hạch toán kế toán cung cấp phải phản ánh đầy đủ, toàn diện về mọi hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị. Trên cơ sở những thông tin được cung cấp đầy đủ đó, nhà quản lý mới có thể ra các quyết định đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển của đơn vị.
* Thông tin và số liệu kế toán được cung cấp hoặc trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo cho các đối tượng sử dụng thông tin đều nhìn nhận đúng về thực trạng hoạt động của đơn vị.

2. Một số nguyên tắc kế toán
*  Khái niệm thực thể kinh doanh (hay còn gọi là đơn vị kế toán)
Khái niệm này còn chỉ ra rằng đơn vị kế toán là một tổ chức độc lập với các chủ thể, cá nhân khác và độc lập ngay cả với bản thân người chủ sở hữu đơn vị kinh doanh.
*  Khái niệm hoạt động liên tục (giả thiết hoạt động liên tục)
Khái niệm này chỉ là một giả thiết nhưng mang tính bắt buộc, được áp dụng cho các đơn vị kế toán. Theo đó báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là các đơn vị đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong tương lai gần.
*  Khái niệm thước đo tiền tệ
Thước đo tiền tệ là đặc trưng cơ bản của hạch toán kế toán. Tất cả các đối tượng, các quá trình hoạt động cũng như các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đều
phải phản ánh thông qua một thước đo tiền tệ thống nhất - gọi là đơn vị tiền tệ. Chỉ có thước đo tiền tệ thống nhất mới là đơn vị tính toán, tổng hợp các chỉ tiêu phục vụ cho công việc phân tích, so sánh, đánh giá.
* Khái niệm kỳ kế toán
Khái niệm này cho rằng thời gian hoạt động của các đơn vị kế toán cần phải được chia thành nhiều kỳ kế toán nối tiếp nhau.Và kỳ kế toán được hiểu là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc việc ghi sổ kế toán, khóa sổ kế toán để lập báo cáo kế toán, tài chính. Báo cáo kế toán, tài chính phải phản ánh được tình hình và kết quả hoạt động, tình hình tài sản, nguồn vốn...nhằm phục vụ cho yêu cầu so sánh, tổng hợp, kiểm tra và đánh giá của các đối tượng khác nhau. Kỳ kế toán có thể là kỳ kế toán tháng, kỳ kế toán quý (3 tháng) và kỳ kế toán năm. Kỳ kế toán bắt đầu tính từ ngày đầu tháng ( quý, năm) đến hết ngày cuối tháng ( quý, năm). Đối với đơn vị mới thành lập kỳ kế toán đầu tiên tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến hết ngày cuối kỳ.
* Nguyên tắc giá vốn ( còn gọi là giá phí, giá gốc)
Nguyên tắc này yêu cầu khi xác định giá của các tài sản phải căn cứ vào số tiền hoặc tương đương tiền đơn vị đã chi phí thực tế để hình thành nên tài sản- gọi là giá phí, giá gốc hay giá vốn ban đầu. Giá gốc không được thay đổi theo thời gian trừ khi có quy định khác trong
chuẩn mực kế toán.
* Nguyên tắc thận trọng
Nguyên tắc này yêu cầu nhà quản lý là khi đứng trước nhiều giải pháp phải lựa chọn thì hãy lựa chọn giải pháp ít ảnh hưởng nhất đến vốn chủ sở hữu.
Nguyên tắc còn nhắc nhở người làm công tác kế toán phải chú ý: chỉ ghi nhận thu nhập khi có đủ chứng cứ chắc chắn, ngược lại các khoản chi phí phải được ghi ngay khi chỉ mới có dấu hiệu phát sinh.
* Nguyên tắc phù hợp (tương xứng)
Nguyên tắc phù hợp yêu cầu việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.
* Nguyên tắc ghi nhận doanh thu (áp dụng cho công tác kế toán của các doanh nghiệp)
Nguyên tắc này quy định cách xác định thời điểm ghi nhận doanh thu. Thời điểm ghi nhận doanh thu là thời điểm đơn vị chuyển giao cho người mua quyền sở hữu hàng hoá, sản phẩm, lao vụ...và ngược lại đơn vị được sở hữu một khoản
tiền hay một khoản nợ tương ứng.
* Nguyên tắc nhất quán
Nguyên tắc này yêu cầu trong công tác kế toán phải bảo đảm các khái niệm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các chính sách và các phương pháp kế toán đơn vị đã chọn được thực hiện nhất quán (thống nhất) từ kỳ kế toán này sang kỳ kế toán khác. Các khái niệm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các chính sách và các phương pháp kế toán đơn vị đã chọn phải được áp dụng ít nhất trong một kỳ kế toán năm.
* Nguyên tắc khách quan
Nguyên tắc khách quan đòi hỏi các tài liệu do kế toán cung cấp, các số liệu do kế toán phản ánh cần phải mang tính khách quan, không bị bóp méo, xuyên tạc và có đủ cơ sở để thẩm tra khi cần thiết. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo độ tin cậy cao trong công tác kế toán, đặc biệt là về nguồn thông tin cung cấp cho nhà quản lý đơn vị.
* Nguyên tắc trọng yếu
Nguyên tắc trọng yếu cho rằng nhà quản lý chỉ nên quan tâm những vấn đề trọng yếu mang tính quyết định đến bản chất và nội dung của công tác kế toán, không nên quan tâm đến những yếu tố không trọng yếu, không cơ bản, không phản ánh bản chất của vấn đề.
* Nguyên tắc công khai
Nguyên tắc công khai yêu cầu các báo cáo tài chính phải phản ánh đầy đủ các thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động của đơn vị và phải được công khai theo luật định. Những thông tin trên báo cáo phải rõ ràng, dễ hiểu và phải có các giải trình cần thiết phục vụ cho các đối tượng quan tâm.