Tài chính tiền tệ - Vốn kinh doanh

__________________________________________________________________

1. Khái niệm vốn kinh doanh
Vốn là tiền đề của hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Là một phạm trù tài chính, vốn kinh doanh của doanh nghiệp được quan niệm như là khối lượng giá trị được tạo lập và đưa vào kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Như vậy, vốn kinh doanh được biểu hiện bằng giá trị và đại diện cho một khối lượng tài sản nhất định.
Vốn vừa là nhân tố đầu vào, đồng thời vừa là kết quả phân phối thu nhập đầu ra của quá trình kinh doanh. Chính trong quá trình đó, vốn tồn tại với tư cách là một nhân tố không thể thiếu được đối với hoạt động kinh doanh. Vốn phải được bảo toàn và phát triển. Đây là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp thực hiện được quá trình tái sản xuất giản đơn cũng như tái sản xuất mở rộng.
Xét theo công dụng và đặc điểm luân chuyển giá trị, vốn kinh doanh của một doanh nghiệp bao gồm: vốn cố định, vốn lưu động.

2. Vốn cố định
Vốn cố định của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền về toàn bộ tài sản cố định (TSCĐ) phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản là TSCĐ khi đáp ứng được đồng thời hai điều kiện: (1) có thời gian sử dụng dài thường trên một năm và (2) có giá trị lớn. Trong từng thời kỳ, tùy theo sự thay đổi sức mua của đồng tiền, tiêu chuẩn về giá trị tài sản cố định có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Cần lưu ý rằng hai tiêu chuẩn nói trên có ý nghĩa quan trọng trong quản lý TSCĐ nhưng chỉ có tính chính xác tương đối và cần được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
Có hai nhóm TSCĐ:
            - TSCĐ hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất cụ thể, như công trình kiến trúc, trang thiết bị, phương tiện vận tải…
            - TSCĐ vô hình là những TCSĐ không có hình thái vật chất cụ thể gồm bằng phát minh sáng chế, chi phí đầu tư mua bản quyền, phần mềm vi tính, văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu…
TSCĐ có những đặc điểm sau:
            + TSCĐ không thay đổi hình thái vật chất và tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh. Với đặc điểm này, doanh nghiệp chỉ cần bỏ vốn ban đầu để đầu tư hình thành nên TSCĐ trong thời gian dài. Để quản lý TSCĐ, doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng tài sản. Ngoài ra, do thời gian sử dụng dài, cần lưu ý tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các bộ phận hư hỏng của TSCĐ thường xuyên.
            + Giá trị TSCĐ bị giảm dần do chúng bị hao mòn, biểu hiện là sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng. Hao mòn TSCĐ có thể là hao mòn hữu hình hoặc vô hình. Hao mòn hữu hình là sự giảm dần về mặt giá trị sử dụng, kéo theo sự giảm giá trị của tài sản. Nguyên nhân của hao mòn hữu hình, một mặt là do việc sử dụng TSCĐ trong kinh doanh gây ra, mặt khác là do sự tác động của tự nhiên khiến TSCĐ bị rỉ sét, xuống cấp… làm cho năng lực sử dụng của chúng bị giảm dần. Hao mòn tài sản hữu hình chỉ xuất hiện với các TSCĐ hữu hình. Hao mòn vô hình là sự giảm giá trị thuần túy của TSCĐ do tiến bộ khoa học - công nghệ (chủ yếu đối với TSCĐ hữu hình), hoặc do uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút làm mất lợi thế thương mại (đối với tài
sản vô hình)…
Từ những đặc điểm trên của TSCĐ có thể rút ra đặc điểm của vốn cố định. Vốn cố định tham gia nhiều chu kỳ kinh doanh và luân chuyển giá trị dần dần từng phần vào giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tạo ra trong các chu kỳ kinh doanh. Hay nói cách khác, cứ sau mỗi chu kỳ kinh doanh, vốn cố định được tách thành hai phần: một phần luân chuyển vào giá trị kinh doanh của chu kỳ kinh doanh kỳ này và phần còn lại sẽ được “cố định” chờ để luân chuyển cho các chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Quá trình luân chuyển giá trị của vốn cố định này sẽ tiếp diễn cho tới khi TSCĐ hết thời gian sử dùng, chấm dứt một vòng tuần hoàn, lưu chuyển giá trị.

3. Vốn lưu động
Vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền về toàn bộ tài sản lưu động (TSLĐ) của doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Tài sản lưu động có những đặc điểm sau:
            + Khi tham gia vào kinh doanh, tài sản lưu động luôn vận hành, thay thế và chuyển hóa qua các công đoạn của quá trình kinh doanh.
            + Chỉ tham gia một chu kỳ kinh doanh. Đặc điểm này của TSLĐ đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn duy trì một khối lượng vốn lưu động nhất định để đầu tư, mua sắm TSLĐ, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh tiến hành liên tục.
Từ đặc điểm của TSLĐ có thể rút ra đặc điểm của vốn lưu động: Vốn lưu động chuyển toàn bộ giá trị của nó vào trong giá trị sản phẩm. Vốn lưu động được thu hồi toàn bộ một lần, sau khi doanh nghiệp tiêu thụ các hàng hóa, dịch vụ và kết thúc vòng tuần hoàn lưu chuyển của vốn.

Download toàn bộ bài viết tại đây